NGUYÊN TĂC CỦA ĐỨC GIÊ-SU Đức Giê-su luôn muốn chỉ cho con người đường ngay nẻo chính; Ngài muốn chỉ ra những điểm mốc để họ theo đó mà thành người, như Hồng Y nói. Một lần Ngài đi lên núi, và bài giảng trên núi đó coi như đã mở ra một chương mới. Bài giảng hẳn đã có tác động mạnh vào thời đó, vì Kinh Thánh chép rằng: “Khi Đức Giê-su giảng xong, đám đông rất xúc động; bởi vì Ngài dạy họ như thể là một người được Thiên Chúa uỷ quyền, chứ không phải như những luật sĩ của họ”. Ngọn núi nơi Ngài giảng chắc chắn có một ý nghĩa tượng trưng. Ở đây Đức Giê-su hiện thân như một Mai-sen mới. Và thay vì núi Si-nai thì giờ đây là ngọn núi chỉ đường mới, núi của các mối phúc. Thoạt tiên, Ngài dựa vào cấu trúc một cuộc đối thoại, nhưng đồng thời đã đào sâu, làm mới và đưa vào bài giảng một chiều rộng mới, một đòi hỏi mới. Thêm nữa, Ngài còn mở ra một cấp độ nhân bản mới, qua đó con người có thể nối kết được với Thiên Chúa. Đức Giê-su tuyên bố công khai: “Những lời dạy không phải là của tôi, nhưng của Đấng đã sai tôi. Ai thực hành ý Thiên Chúa, người đó sẽ nhận ra được những lời đó là do tự tôi nói ra hay là lời dạy của Thiên Chúa”. Không những Ngài tự coi ngang hàng với Mai-sen, hẳn điều này đã khiến người nghe không dễ chấp nhận rồi, mà còn ngang hàng với kẻ ra luật, là chính Thiên Chúa. Đức Giê-su giảng dạy qua sự uỷ nhiệm của Thiên Chúa. Ngài nói: “Quý vị đã được nói cho hay” có nghĩa là “Thiên Chúa đã nói cho quý vị hay”, rồi tiếp: “Còn tôi, tôi nói cho quý vị hay”. Như vậy, nhìn từ nhiều mặt, bài giảng trên núi nói lên cách mạnh mẽ nhất tư cách Thiên Chúa của Đức Ki-tô; Ngài muốn cho thấy rằng, giờ đây không phải do trung gian con người nữa, nhưng là do chính Thiên Chúa, mà lề luật cựu ước có được những diễn giải sâu xa nhất và có được giá trị phổ quát. Người nghe cảm được điều đó. Và họ cũng cảm được rất mạnh cái gọi là ý nghĩa đôi của bài giảng. Họ hiểu rằng, thông điệp đó một mặt chứa đựng một tinh thần mới, một nét trưởng thành mới và sự nhân hậu, một giải thoát mới đưa ta ra khỏi cái hời hợt và bề ngoài, nhưng mặt khác, nó cũng là một đòi hỏi mới. Và đòi hỏi này quá lớn đến độ có thể đè bẹp con người, nếu như họ bị bỏ mặc một mình. Nếu giờ đây thay vì nói: ngươi không được xé bỏ hôn ước, mà lại nói, ngươi không được nhìn đàn bà với lòng ham muốn. Thay vì: ngươi không được giết người, mà lại nói, ngươi không được nổi giận về một người nào; thay vì: mắt đền mắt, răng đền răng thì chưa đủ, mà trái lại, ai vả má phải thì hãy đưa thêm má trái cho họ - thì lúc đó ta sẽ đứng trước một đòi hỏi rất đặc biệt, đòi hỏi này có thể tạo nên sự thán phục đấy, nhưng đồng thời nó lại xem ra quá sức đối với con người. Ít nhất, nó sẽ quá sức đối với những ai đã không bước đi cùng với Đức Giê-su Ki-tô và đã không đặt toàn bộ đòi hỏi đó như là hệ quả của cuộc gặp gỡ giữa họ với Chúa. Quả thật, chúng ta thấy sự uỷ quyền của Thiên Chúa trong đòi hỏi đó. Đức Giê-su chẳng phải là một trong những sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng Ngài là đấng Tối hậu, và chính Thiên Chúa đã dùng miệng Ngài để phát biểu. Đoạn Tin Mừng Gio-an mà anh vừa đề cập một lần nữa đã tóm tắt toàn bộ những điều trên đây vào một công thức. Công thức đó muốn nói với ta: Bạn phải thử sống, và khi bạn sống lời tôi, bạn sẽ thấy là bạn đang bước đi trên đường đúng. Bài giảng trên núi không nhất thiết phù hợp với những suy nghĩ thông thường. Nó còn phản lại định nghĩa của ta về hạnh phúc, về giá trị, về quyền lực, về thành công hoặc công lí. Rõ ràng Đức Giê-su có những phạm trù khác. Vào cuối bài giảng Ngài còn tóm tắt cho người nghe biết cái gì thật sự quan trọng, có thể nói đây là một lề luật của các lề luật, đây là luật vàng của cuộc sống: “Như vậy, tất cả những gì các ngươi mong kẻ khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ! Lề luật và các tiên tri là đó”. Luật vàng đã có từ trước thời Đức Ki-tô rồi, nhưng nó được diễn tả một cách phủ định: “Cái gì ngươi không muốn người khác làm cho mình, thì cũng đừng làm cho kẻ khác”. Đức Giê-su đã chuyển nó lên thành thể xác định, thể này dĩ nhiên mang yêu sách cao hơn. Ngài nói, những gì ngươi muốn người khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ. Đó có thể nói là một thách đố cho trý tưởng tượng sáng tạo của tình yêu. Như vậy, luật vàng trở thành Luật Tự do; thư thánh Gia-cô-bê đã tóm tắt bài giảng trên núi, mà cũng là tóm tắt toàn bộ thông điệp của Đức Giê-su, như thế. Sở dĩ gọi Luật Tự do là vì thông điệp đó rốt cuộc đã mở ra một không gian lớn vô tận, trong đó lực sáng tạo của sự thiện có thể triển nở. Tôi tin cái tuyệt vời ở đây là người ta không còn phải hỏi: ai đã làm gì cho ai khi nào ra sao, không còn phải bận rộn với những cái khác biệt. Mà trái lại, người ta thấy được cái gì cơ bản đã được uỷ thác cho mình, đó là: hãy mở mắt ra, mở lòng ra và tìm ra những phương cách thực thi cái thiện. Không còn chuyện hỏi mình mong gì, mà vấn đề là làm cho người khác những gì mình mong. Và cái cho- mình- đi thật sự đó với tất cả trý tưởng tượng sáng tạo của nó, với tất cả những khả thể mà cá nhân có thể có, đã được tóm lại trong một quy luật hoàn toàn thực tế, chứ không còn chỉ là một giấc mơ lý tưởng nào nữa. Bài giảng khởi đầu với những lời chúc phúc. Lạ thật, có chín lời chúc tất cả. Số chín cũng là con số các thiên thần, bởi vì thế giới của thiên thần được chia ra chín tầng. Số đó cũng là biểu tượng của sự hoàn thiện. Những câu chúc phúc quả đặc biệt, vì chúng vượt ra ngoài rất xa chuẩn mực của ta. Không phải những kẻ giàu, mà là kẻ nghèo, được chúc phúc – có sự khác biệt giữa phúc và hạnh phúc; và không phải những ai không đau khổ mới được phúc, nhưng là những kẻ khổ đau. Bản văn cũng đề cập tới nỗi khao khát công chính, tới việc cần có quả tim tinh tuyền, và nhiều điều khác nữa. Trong một thông điệp, giáo chủ Gio-an Phao-lô II nói rằng, bản chúc phúc thật ra là bản tự thuật tiểu sử kín đáo của Đức Giê-su. Chúng ta nhận ra từng lời chúc thể hiện thực sự trong con người Ngài. Ngài là kẻ nghèo trong Thánh Thần. Là người xuất thân từ hạng nghèo hèn. Là kẻ nỗ lực tìm công lí cho người khác. Là kẻ tạo hoà bình. Là người chịu đau khổ vì sự thật. Tôi tin rằng, ta chỉ hiểu đúng các lời chúc, một khi ta hiểu chúng từ con người Đức Ki-tô. Ngài đã sống những lời chúc đó, và qua Ngài mà chúng cũng đã trở thành những bảng dẫn đường cho ta. Dĩ nhiên, trên con đường Ngài chỉ, mỗi người đi theo một ơn gọi khác nhau, mỗi người có một thứ tự ưu tiên khác nhau. Quan trọng là ta đọc những ơn gọi đó qua hình tượng Đức Ki-tô, và rồi cũng theo Ngài sống ơn gọi đó. Có thể nói được rằng mỗi lời chúc là chìa khoá đi vào một bí mật đặc biệt? Vâng, có điều là ta không nên hiểu nó theo nghĩa huyền bí. Đó là chìa khoá đi vào cuộc sống, và rồi những cánh cửa bí mật sẽ đương nhiên mở ra, những bí mật mà trước đó ta không rõ. Đây không hẳn là một sự khai sáng dưới dạng huyền bí hay một giải toả bí mật. Nhưng đúng hơn, đó là một cái nhìn vào cuộc đời, và mỗi một bước song hành đi vào cuộc đời đó cũng sẽ mở ra cánh cửa hiểu và biết.
|